Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2009

Đi chợ trời ở “Old Tokyo”

Một chiếc xắc trưng bày tại boutique Takashimaya đề giá 2.450.000 yen, tương đương hơn 500 triệu đồng Việt Nam (nhưng xin nhớ là một chiếc Honda Civic chỉ có giá hơn 1 triệu yen, điều ấy cũng có nghĩa chiếc xắc “nặng” đúng bằng… hai chiếc Honda Civic!) - xin đừng “sốc” với những chuyện như vậy và tương tự ở Tokyo, một trong những thành phố đắt đỏ nhất thế giới.

Thế nhưng, cũng ở thành phố vừa đắt đỏ vừa xa xỉ ấy lại có một khu chợ trời độc đáo, ở đó người ta có thể mua được những chiếc túi thương hiệu Louis Vuitton hàng “xịn” 100% (có giấy chứng nhận hẳn hoi) với giá chỉ vài triệu đồng Việt Nam.

Và hơn thế, nơi ấy, như “quảng cáo” của người đứng đầu hiệp hội thương mại địa phương quận Taito-ku, ông Tadao Futatsugi với tạp chí Skyward, “bạn có thể kiếm được tất cả những thứ gì bạn muốn, với giá rất rẻ”, nơi mà “người Nhật sau khi vào các shopping mall, kiểm tra lại ví tiền thì đi thẳng tới đây”!

Đó là chợ trời Ameyoko thuộc khu Ueno, phía Bắc trung tâm Tokyo, nơi được mệnh danh là một Tokyo cũ - Old Tokyo mà “đại từ điển du lịch” wikitravel khuyên bạn nên bắt đầu trên hành trình khám phá thành phố này.

Old Tokyo - quá khứ của một Tokyo vàng son

Cần mở ngoặc dài dòng một chút để hiểu vì sao Ueno lại được xem là nơi bắt đầu của một “Old Tokyo”. Năm 628, hai anh em người đánh cá sống bên bờ sông Sumida, dòng sông chính chảy qua thành phố Tokyo ngày nay, kéo lưới nhưng không được cá mà lại vớt được một pho tượng, bèn đem về thờ tại ngôi đền Sensoji, ngày nay là một ngôi đền thiêng ở Asakusa.

Người ta cho rằng chính nhờ bức tượng và ngôi đền thiêng này đã mang lại sự thịnh vượng cho Asakusa và toàn bộ vùng Ueno, thuộc quận Taito-ku, nơi khởi nguồn của thành phố Tokyo. Cho tới trước trận động đất lịch sử năm 1923, trận động đất cướp đi sinh mạng của hơn 10.000 người dân và phá hủy 45% ngôi nhà của Tokyo, trung tâm văn hóa và giải trí của Tokyo chính là quận Taito-ku.

Một biểu tượng của thành phố - ngọn tháp Ryounkaku nằm tại Asakusa đã bị sụp đổ vĩnh viễn trong trận động đất năm 1923 (người ta quyết định không xây dựng lại) mang theo cả sự thay đổi không thể cưỡng lại ở vùng đất này. Sau cuộc chấn động 1923, trung tâm Tokyo bắt đầu phát triển về phía Tây, cụ thể là hai quận Shibuya và Shinjuku trước đó đều chỉ là những ngôi làng yên bình.

Nay Shibuya đã phát triển thành trung tâm mua sắm và giải trí sầm uất, còn Shinjuku trở thành trung tâm hành chính của Tokyo với biểu tượng mới của thành phố chính là tòa tháp đôi cao 243 mét Tokyo Metropolitan. Vậy là Asakusa và Ueno trở thành “quá khứ” của một Tokyo “vàng son”. Một thế kỷ trước, nơi này còn được mệnh danh là “quận geisha” với hàng trăm geisha tập trung sống và hành nghề.

Giờ còn một số geisha (rất ít) vẫn tiếp tục hành nghề mà nếu tới đây vào các buổi chiều muộn, bạn có cơ hội ngắm nhìn những geisha trong bộ áo truyền thống kimono và khuôn mặt tô vẽ cầu kỳ, thực hành nghi lễ truyền thống tại các quán trà đạo hoặc các nhà hàng sang trọng, chủ yếu phục vụ khách du lịch. Khu chợ trời Ameyoko cũng là một “quá khứ” còn lại và giờ này nó vẫn sống nhộn nhịp.

Hải sản, trà - bánh kẹo và hàng hiệu giá rẻ!

Nằm ngay cạnh ga Ueno, chợ trời Ameyoko luôn đón tiếp bạn bằng sự nhộn nhịp của tiếng rao hàng bất kể ban ngày hay buổi tối. Chợ mở cửa từ 10 giờ sáng tới tận 10 giờ khuya. Gọi là chợ cũng được nhưng có lẽ đúng hơn là phố chợ, giống như khu chợ trời Hòa Bình ở Hà Nội hay khu chợ cũ - chợ Huỳnh Thúc Kháng ở TP.HCM, nhưng sạch sẽ, thoáng đãng (dù tập trung tới gần 500 cửa hàng lớn nhỏ) và chỉ dành cho người đi bộ.

Có ba thứ hàng đặc biệt của chợ này, đó là hải sản tươi sống (thứ đồ ăn quan trọng nhất của người Nhật), trà - bánh kẹo Nhật, và đồ thời trang mỹ phẩm, nhưng đặc biệt hơn, tất cả đều hạ giá! Đấy gần như là nơi duy nhất ở Tokyo mà khi mua hàng bạn có quyền trả giá và giá các mặt hàng rẻ hơn ít nhất là 30% so với thứ cùng loại bày bán trong các đại siêu thị.

Các anh và các bác bán hàng hải sản tươi sống (tất cả đều là nam giới) lúc nào cũng vui vẻ cất cao giọng mời chào và vui vẻ cho tôi chụp hình (chuyện này hơi khác so với ở nhà ta), dù lúc đó đã là chiều muộn và có vẻ hàng hóa chưa bán được nhiều. Cá hồi, cá ngừ, bạch tuộc và đặc biệt là cua vua - món đặc sản trên các bàn tiệc được bán rất nhiều ở đây và được bày rất đẹp mắt.

Trà, bánh kẹo cũng là một đặc sản của chợ. Người Nhật vốn nổi tiếng về trà, nơi đã đẻ ra cả một nghi lễ uống trà - trà đạo, nên các sản phẩm trà Nhật vô cùng phong phú, ngoài những loại trà xanh, trà đen, trà nâu, còn có cả những loại trà pha lẫn cả một số loại hạt trông vừa hấp dẫn vừa kỳ bí.

Các loại bánh dùng trong những buổi tiệc trà cũng đa dạng và hấp dẫn không kém. Nghe kể, sáng sớm, những người nông dân ở các vùng lân cận mang rau củ và gạo họ trồng tới Ueno để bán và khi trở về, các giỏ hàng của họ lại đầy ắp bánh kẹo. Những giỏ bánh kẹo này chủ yếu được mang về vùng Aomori phía Bắc để bán lại với giá gấp… năm lần giá mua tại chợ!

Nhưng có lẽ “choáng” nhất với những người Việt Nam lần đầu tới Ameyoko là thấy những cửa hàng bán đồ hiệu hạ giá, nơi bạn có thể mua được một chiếc túi LV “xịn” với giá chỉ khoảng 4-5 triệu đồng, thậm chí chỉ 2-3 triệu đồng, một chiếc túi Coach “xịn” giá chừng 1,5 triệu đồng…

Khi mua, cửa hàng sẽ cung cấp cho bạn giấy chứng thực hàng “xịn” hẳn hoi chứ không phải là hàng nhái “made in Quảng Châu” (!) và mặc dù là chợ trời nhưng ở Nhật bạn có thể tin tưởng vào sự trung thực của người bán - điều mà người Nhật đặc biệt đề cao trong sự giám sát chặt chẽ của pháp luật.

Tuy nhiên, tất cả đều là hàng xài rồi. Tùy theo độ cũ - mới của hàng xài rồi mà giá bán có thể rẻ đến bất ngờ. Phụ nữ Nhật, nhất là những người trẻ tuổi, có tiếng là các “tín đồ hàng hiệu”, việc một phụ nữ Nhật sở hữu khoảng chục chiếc túi LV và thường xuyên đổi món được xem là chuyện khá bình thường, bởi vậy mà thị trường túi xịn second-hand ở đây khá phong phú.

Hàng mỹ phẩm, đặc biệt là các thương hiệu đến từ Mỹ, châu Âu cũng là một đặc sản của chợ này, dĩ nhiên là giá bán đều mềm hơn nhiều so với các mẫu bày bán trong các trung tâm mua sắm, đặc biệt có những món hàng hạ giá từ 60% tới… 86%! Lạc vào những cửa hàng kiểu này, với những phụ nữ mê mẩn mỹ phẩm, nước hoa, có thể mất cả ngày không ra nổi.

Thỏa nhu cầu giao tiếp, gần gũi giữa người và người

Nhưng chợ Ameyoko không chỉ rẻ, mà thú vị với cả người Nhật vì nó là một cái chợ sống động đúng nghĩa “chợ” còn sót lại trong một đô thị hiện đại bậc nhất thế giới, nơi các siêu thị và các đại siêu thị ngày càng lấn lướt. Ở đây, bạn có thể đứng ngay ngoài đường, dưới “gầm” đường tàu điện (xin nhắc lại là rất sạch sẽ) để ăn món “bánh xèo Nhật” nóng hổi được làm ngay trước mắt.

“Ở đây, người mua và người bán đều không giống với những nơi khác ở Nhật. Trong các siêu thị và các cửa hàng lớn, mọi thứ đều ghi giá và người mua mang nó ra quầy trả tiền. Còn ở đây, người mua và người bán được trao đổi với nhau, người bán thì giới thiệu hàng, người mua thì trả giá. Bạn không bắt buộc phải trả đúng cái giá mà người bán đưa ra, mà có quyền trả giá và thường thì giá mua ở đây rẻ hơn mua trong các cửa hàng hay siêu thị tới 30%” - anh Futatsugi, một người bán từ bánh kẹo đến đồ chơi golf ở khu chợ này bày tỏ với phóng viên tạp chí Skyward.

Càng hiện đại, càng công nghiệp, nhu cầu giao tiếp, gần gũi giữa người với người càng lớn. Trở lại nước Nhật lần này, thấy trên đường nhiều hơn những ông già, bà già dắt chó đi thơ thẩn, thậm chí có cả ông cụ đẩy chiếc xe nôi với… ba con chó ngồi bên trong (!), thấy dòng người hối hả hơn, gương mặt đăm chiêu hơn dưới các nhà ga tàu điện ngầm (cơn bão khủng hoảng vẫn chưa lặng gió trên đất nước mặt trời mọc), mới hiểu vì sao không xa khu Ginza (đại lộ thời trang của Nhật Bản, được so sánh với Fifth Avenue của New York) là mấy vẫn tồn tại bền vững một chợ trời Ameyoko.

Ameyoko, một cái tên ghép Mỹ - Nhật, “mở cửa” từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, trong những ngày khó khăn nhất của nước Nhật thời hậu chiến. Khởi phát từ chỗ là nơi mua bán những món đồ mà quân đội liên minh Mỹ để lại, chợ trời Ameyoko giúp nhiều người dân Nhật vượt qua thời khắc gian khó và giờ đây, trong thời khủng hoảng mới, một lần nữa, Ameyoko lại chứng tỏ sức sống bền bỉ của mình.

Đi chợ Ameyoko, tôi không mua gì, chỉ ăn một đĩa “bánh xèo Nhật”, nghe tiếng chào hàng lao xao và đón nhận những cái cúi gập người cảm ơn của người bán hàng (dù mình chỉ ngó mà không mua) mà thấy lòng ấm lạ giữa một thành phố xa xôi và đắt đỏ.

Theo THỦY PHẠM
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

http://dulich.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=349651&ChannelID=100

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét